Cách điều trị các loại cận thị thường gặp

Cách điều trị các loại cận thị thường gặp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Đăng Duân – Bác sĩ mắt – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ Duân đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhãn khoa. Bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về các bệnh lý về mắt như glocom nhãn áp không cao, bong võng mạc, tiêm hậu nhãn cầu.

Tật khúc xạ nói chung ,cận thị nói riêng là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực trên thế giới hiện nay. Rối loạn thị giác này có thể nặng hơn theo thời gian. Ngoài việc gây suy yếu thị lực, cận thị có thể làm thay đổi cấu trúc của mắt, khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh về mắt trong tương lai. Người bị cận thị nên biết cách phân biệt các dạng cận thị khác nhau để có phương pháp điều trị phù hợp.

1. Tật khúc xạ cận thị là gì?

Cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất, người bị cận thường chỉ có thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng khó khăn khi nhìn vật ở xa. Do hình ảnh quan sát được hội tụ trước võng mạc, vì vậy khi người cận thị nhìn vật ở xa thường phải nheo mắt.

Ngày nay, cận thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến nhất

2. Triệu chứng của bệnh cận thị

Khi bị cận thị, bệnh nhân sẽ gặp khó khăn khi quan sát các vật ở xa. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của cận thị gồm:

  • Nhìn mờ khi nhìn vào vật thể ở xa;
  • Thường xuyên nheo mắt;
  • Nhức đầu do mỏi mắt;
  • Khó nhìn thấy vào ban đêm.

Thông thường cận thị có thể được phát hiện sớm ở lứa tuổi học sinh (cận thị học đường hay cận thị bẩm sinh). Đặc biệt, các dấu hiệu nhận biết cận thị ở trẻ em như sau:

  • Khi xem tivi, trẻ phải lại gần mới xem được;
  • Đọc bài hay bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để dò theo các chữ khi đọc;
  • Ở lớp trẻ phải lại gần bảng mới nhìn được;
  • Khi viết, nhiều chữ viết sai, thiếu hoặc phải chép bài của bạn;
  • Hay cúi gần nhìn sách;
  • Nheo mắt hoặc nghiêng đầu khi nhìn vật ở xa;
  • Hay dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ;
  • Thường kêu mỏi mắt, nhức đầu hay chảy nước mắt;
  • Sợ ánh sáng hoặc bị chói mắt, không thích các hoạt động phải nhìn xa….
Cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử sớm gây ra nguyên nhân cận thị

3. Phân loại cận thị

3.1. Cận thị đơn thuần (Simple Myopia)

Đây là loại cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở trẻ em trong độ tuổi đi học, từ 10 đến 18 tuổi. Người bị cận đơn thuần thường có độ cận dưới 6 diop và thường đi kèm với loạn thị. Nguyên nhân cận đơn thuần do mắt thường xuyên làm việc trong khoảng cách gần ,nơi làm việc-học tập thiếu ánh sáng hoặc cường độ ánh sáng yếu . Cận thị đơn thuần thường do chế độ làm việc và di truyền. Bệnh có xu hướng phát triển trong một thời gian và ngưng lại ở một mức độ nhất định.

3.2. Cận thị thứ phát (Induced Myopia Or Acquired Myopia)

Nguyên nhân là do sơ hóa thủy tinh thể (nuclear sclerosis), do tác dụng phụ khi tiếp xúc với một số thuốc kê đơn, do đường huyết tăng cao (bệnh tiểu đường) và một số nguyên nhân khác.

3.3. Cận thị giả (Pseudo Myopia)

Xảy ra khi mắt gia tăng điều tiết, các cơ thể mi phụ trách chỉnh khả năng điều tiết của mắt bị co quắp, khiến tầm nhìn xa bị suy giảm tạm thời. Biểu hiện của cận thị giả cũng giống như cận thị bình thường, tuy nhiên mắt sẽ hồi phục tầm nhìn sau một thời gian nghỉ ngơi.